Đến năm 2020 để chấm dứt tình trạng mua kháng sinh không cần đơn, bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát việc mua bán thuốc tại các nhà thuốc bằng camera.
Trong hội nghị sơ kết giai đoạn 1 kế hoạch hành động quốc gia về vấn đề phòng chống kháng thuốc, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế cho biết, các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng, không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào mà là vấn đề toàn cầu.
Điều này dẫn đến việc người bệnh phải nằm viện lâu hơn, tăng chi phí và tăng tỉ lệ tử vong ở tất cả các nhóm tuổi. Như tại Châu Âu, số ngày nằm viện tăng thêm 2,5 triệu và tăng thêm khoảng 25.000 người chết mỗi năm.

Tại Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tăng thêm 38.000 ca tử vong/năm.
Ở Mỹ, có khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và 23.000 người/năm tử vong, làm cho quốc gia này tốn khoảng 50 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, sau 4 năm triển khai chiến dịch phòng chống kháng thuốc, dù chưa có con số cụ thể, song ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, 88% thuốc kháng sinh ở thành thị bán không theo đơn thuốc, con số này ở nông thôn là 91%.
Đáng lưu ý, càng ở bệnh viện tuyến dưới, tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao.
Do lợi ích nhóm
Ông Khuê nêu rõ, Bệnh viện tuyến huyện, tỉnh sử dụng nhiều kháng sinh vì phần lớn chưa có kháng sinh đồ, bác sĩ thường điều trị bao vây bằng nhiều loại thuốc, nhiều loại kháng sinh khác nhau.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia tại hội nghị chỉ ra rằng việc bác sĩ kê nhiều kháng sinh còn do chất lượng thuốc kháng sinh chưa tốt, do chưa có kinh nghiệm và do cả... lợi ích nhóm.
Trong nông nghiệp, Cục Thú Y cho biết, mỗi năm phát hiện hàng chục mẫu thuỷ sản nuôi, thịt gà, thịt lợn chứa dư lượng chất cấm, thuốc kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Vấn đề mua bán và sử dụng kháng sinh thiếu chặt chẽ trong y tế đã làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư quy định về việc mua thuốc theo đơn nhưng việc xử phạt đến nay vẫn còn khó khăn.
Do đó Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, sắp tới giao Cục Quản lý Dược triển khai đề án mua và bán thuốc theo đơn. Cụ thể, áp tiêu chí bán thuốc theo đơn để đánh giá Nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, giám sát vấn đề mua bán thuốc tại các nhà thuốc bằng hệ thống camera.
“Trước mắt chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện thí điểm 1 số nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM”, Bộ trưởng Tiến nói.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn tình trạng bán kháng sinh không cần đơn, đồng nghĩa người dân không thể tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh.
caodangduochanoi.edu.vn tổng hợp